Thông tin mới nhất


Truyền thông Saimete có các chuyên mục về việc làm (bán thời gian, thời vụ, tuyển dụng). Chúng tôi sẽ cập nhật thường xuyên thông tin ở những mục này trên bản tin Online này.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ cung cấp thêm cho các bạn các bản CV mẫu mà chúng tôi có được và các tài liệu học tập thuộc khối ngành kinh tế.
Các bạn có thể đăng kí nhận tin từ bảng tin Online của chúng tôi. Mục đăng kí nhận tin nằm ngay bên dưới mục "Mục lục".
Cám ơn các bạn đã theo dõi và ủng hộ bản tin của chúng tôi. :)

Tìm kiếm trên Google

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

MARKETING BÌNH DÂN
Tôi nhớ có một thời gian: trên khắp các nẻo đường ở TPHCM xuất hiện quá chừng các điểm bán bánh bao chỉ “ngon ơi là ngon” với giá bán 3.000 đồng/cái. Khách hàng cứ ngỡ loại bánh này do một công ty lớn nào đó sản xuất và tung chiến dịch quảng cáo rầm rộ.
Thật ra, đó chỉ là một cơ sở sản xuất bình dân. Ở đây, tôi chỉ muốn nói về cách thức marketing thời kì bùng phát của họ, không đi vào các vấn đề khác.

Mỗi ngày, khi tôi đi làm về, tôi thấy cứ cách 10 mét lại có một địa điểm bán bánh bao chỉ. Trước đó, có ai nhớ bánh bao chỉ đâu. Vậy mà bây giờ nó lại bùng phát mạnh mẽ như thế!
Tôi quan sát họ, tôi thấy chỉ có một cái tủ kiếng, bên trong chất đầy bánh bao chỉ. Bên ngoài, cái tủ kiếng là một bảng hiệu màu xanh phản quang, ban đêm người đi đường vẫn nhìn thấy được đấy! Và trên nền màu xanh đó là một dòng chữ rất “khơi gợi”: “ngon ơi là ngon” (*).

Người đi đường sẽ thấy tò mò bởi màu sắc bắt mắt và câu slogan rất hay như thế. Chính những điều này đã làm cho những người qua đường mua tò mò mua ăn thử mà không chú ý lắm đến nơi sản xuất và bánh có đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn không.
Người mua rất đông. Và người bán cũng tăng theo nhanh chóng. Ban đầu chỉ có vài điểm bán bánh, đến thời điểm đỉnh cao thì nó bùng phát. Đúng là công nghệ “marketing bình dân”.

Ai là chủ nhân của công nghê marketing bình dân này? Đó chính là các nhà sản xuất bánh bao chỉ. Họ chỉ là những hộ gia đình sản xuất bánh, họ cũng có được học về marketing đâu! Thế mà họ lại tạo được một điều “thần kỳ” như thế.
Cho dù, hiện tại điều “thần kỳ” đã kết thúc do chất lượng bánh không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tính tò mò của người mua không còn nữa.

Họ đã làm điều đó như thế nào? Họ sử dụng một câu khẩu hiệu “khêu gợi” dễ nhớ “ngon ơi là ngon” trên nền màu xanh lá bắt mắt. Giá của bánh bao chỉ này được nhà sản xuất ấn định thống nhất với mức giá rất mềm (3000 Đồng/1 cái). Chỉ đơn giản như thế là họ đã bán được hàng.
Nếu ai muốn bán bánh thì họ cho mượn tủ để bán. Với lợi nhuận hấp dẫn và việc làm đại lý dễ dàng với số vốn không quá lớn (100.000 Đồng), nhiều người khác lao vào bán sản phẩm này. Thế là đâu đâu người ta cũng bắt gặp điểm bán bánh bao chỉ với một hình thức như nhau. Sự “thần kỳ” của bánh bao chỉ là như thế đó!
* * *
Cũng trong thời kỳ bùng phát bánh bao chỉ, tôi còn nhìn thấy một hình thức bán nước mía bình dân mới. Đó là “nước mía siêu sạch 3000 đồng”.
Tôi nhớ nước mía siêu sạch 7000 Đồng/1 ly mà. Thế sao bây giờ lại xuất hiện ở ven đường một quán nước mía siêu sạch mà giá chỉ với 3000 Đồng thế kia! Tôi nghĩ: chắc người ta đã mượn cái tên “siêu sạch” của quán nước mía kia để bán sản phẩm nước mía của mình.
Tôi thấy nhiều người mua nước mía siêu sạch rất đông. tôi cũng ghé vào mua một ly để thử xem như thế nào. Tôi thấy họ sử dụng một máy ép nước mía kiểu mới. Họ cho nước mía vào ly và dùng máy ép ly để dán kín lại. Cái được gọi là nước mía siêu sạch là thế đó, dù môi trường xung quanh chẳng sạch tí nào.

Tôi nhớ đến câu chuyện bánh bao chỉ mà tôi ngẫm nghĩ. Những người nghĩ ra hình thức bán nước mía này cũng có một cách thức tương tự về marketing như những người sản suất bánh bao chỉ. Đó là họ sử dụng một câu khẩu hiệu rất hay “nước mía siêu sạch 3000 đồng”.
Ở đây, họ ghi giá cả lên bảng hiệu luôn để người qua đường biết giá tránh nhầm lẫn với nước mía siêu sạch trước đây. Và họ làm như thế cũng để cho người mua biết là giá bán rất bình dân.
Để rủ bỏ một hình ảnh cũ, họ sử dụng một máy ép nước mía kiểu mới có sự trang trí bắt mắt thay thế cho máy kiểu cũ đã quá quen thuộc dù chưa chắc máy mới tốt hơn máy cũ. Người dân lại hiếu kỳ mua nước mía rất đông. Đông đến nỗi, con đường tôi về kẹt luôn ở chỗ bán nước mía đó. Điều “thần kỳ” một lần nữa diễn ra.
Hình thức mới này chiếm khách hàng của hình thức cũ. Buộc những người đang kinh doanh hình thức cũ dần dần chuyển sang hình thức kinh doanh mới này. Điều thần kỳ không còn diễn ra nữa vì người dân không còn hiếu kỳ nữa.

Tuy nhiên, bạn có để ý không, những người bán những chiếc máy nước mía kiểu mới đó mới thật sự là những người thu được nhiều lợi nhuận từ sự thay đổi mô hình kinh doanh bán nước mía. Tôi nghĩ rằng chính họ mới là những người nghĩ ra cách thức bán nước mía kiểu mới này.
Tôi có lên mạng xem giá cả của những chiếc máy ép của mỗi điểm bán nước mía siêu sạch thế nào. Một chiếc máy ép nước mía siêu sạch thấp nhất cũng hơn 7 triệu Đồng, loại đắt hơn thì ở tầm 14 – 18 triệu Đồng/ 1 máy. Máy ép ly có giá từ 1,6 triệu đến 5,8 triệu Đồng. Lợi nhuận họ thu được từ mỗi mỗi điểm bán nước mía siêu sạch trung bình là 2 triệu Đồng.
Tôi tự hỏi: Ở Tp.HCM này, có bao nhiêu người bán nước mía nhỉ? Tôi tạm cho là có 1000 điểm bán nước mía. Nếu tôi là người nghĩ ra cách thức này thì tôi sẽ thu lợi nhuận là 2 tỷ đồng trong một thời gian ngắn.
Tất nhiên, đây chỉ là suy nghĩ đơn giản của tôi. Tôi biết thực tế không được như thế. Viễn cảnh với mấy tháng phát triển mà tôi thu được một nửa số tiền dự kiến đó (1 tỷ đồng) thì tôi quá hạnh phúc rồi!
Các bạn thấy đấy chỉ cần bạn thay đổi hình thức bắt mắt hơn ban đầu, khẩu hiệu nghe “khêu gợi” và với một mức giá bình dân là bạn đã thực hiện được marketing bình dân rồi đấy.

Hiện tại, tôi thấy còn rất nhiều sản phẩm vẫn chưa cải tiến như hai sản phẩm trên. Cơ hội kiếm tiền còn rất nhiều. Tôi thử kể ra nào: chiếc xe bán kem dạo, nước dừa, nước sâm, tàu phớ, chè bưởi – tàu hủ đá, kẹo bông gòn, các loại chè, v.v… Hãy nhanh chân lên nào, những con người bình dân ơi!

------------------------
(*) : http://www.muctim.com.vn/Vietnam/The-gioi-tuoi-moi-lon/Phongsu-Tulieu/2009/12-17/34517/

Bút ký của Anh Minh 
Truyền thông Saimete

1 nhận xét:

Dienbinh nói...

Bằng sự tò mò của mình, bạn tìm được con đường đi đến trí tò mò của người khác và thu lợi. “Sự khác biệt” luôn là điều quan trọng với người khai phá thị trường. Bài viết này đặt ra nhiều vấn đề rất hay xung quanh đó. Mình thử nêu ra 1 vấn đề
- Với người làm đầu tiên, áp lực của họ là gì? Đổi mới, tạo ra điểm nhấn, tạo ra sự khác biệt, bằng chính “sự tò mò” của họ. Còn sau đó, hàng loạt các “điểm” khác mọc lên, bằng sự đánh hơi và “trí tò mò” sẵn có của thị trường. Vậy nếu là 1 doanh nghiệp, thì nên là ai? là ai trong thời điểm nào?
Mình thấy những bài viết như thế này rất hay, nếu phát triển thêm để mang tính tổng quát hơn thì sẽ có nhiều tác dụng. Ví dụ những bài này, thì có thể liên hệ dưới nhiều góc nhìn, nó tương ứng với giai đoạn nào của phát triển sản phẩm, nó phù hợp với những ngành nào, sản phẩm nào…
Mình rất thích cách học tập đi từ những ví dụ thực tiễn trong cuộc sống hằng ngày, đơn giản, ko bị nhiễu, và đúc kết. Rồi từ đó, khi xem những ví dụ về cách làm của các ngành, các công ty khác nhau, lại phân tích ngược lại. Cảm ơn tác giả bài viết thú vị này, và hi vọng có nhiều khám phá tiếp theo.